Ngày 11/7/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức “Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn” với sự tham dự của trên 300 đại biểu đại diện cho các bộ ngành, các cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đồng chủ trì hội nghị.
Lễ trao thảo thuận hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp nông thôn tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của Ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp. Chính vì vậy, thông qua hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và PTNT mong muốn sẽ có nhiều thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ sở đào tạo tạo trong và ngoài Bộ với nhiều hình thức đa dạng như: Kết nối nhu cầu tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, đặc biệt là nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; Hỗ trợ và khuyến khích sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp, đặc biệt là các ngành khó tuyển sinh, khó xã hội hoá; Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ; Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về các cơ hội trong học tập, cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Theo ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thời gian qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Bộ và của ngành đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ngành. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục được kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động. Giai đoạn 2016 - 2021, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Kế hoạch số 463/KH-BCS của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã được triển khai tích cực. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học (gồm 04 đại học/học viện và 08 Viện nghiên cứu), 28 trường Cao đẳng và 02 trường Cán bộ quản lý. Tổng số có 40 cơ sở đào tạo cấp bằng từ bậc tiến sĩ đến đến bậc sơ cấp. Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ đã hình thành mạng lưới các trường, cùng với các phân hiệu bố rộng khắp tại nhiều vùng kinh tế trên cả nước. Bộ đã đầu tư xây dựng mạng lưới các trường cao đẳng chất lượng cao (gồm 8 trường chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế). Thời gian qua, các trường đại học cũng đã chú trọng công tác quảng bá tuyển sinh, mở rộng nhiều ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học.
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu tại Hội nghị
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, các trường của Bộ đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên. Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Những nỗ lực, kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nền móng đưa Việt Nam có vị trí trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng mong muốn so với yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, bối cảnh trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi mang đến nhiều thời cơ và thách thức mới cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đáp ứng chiến lược phát triển của ngành và nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết và cấp bách. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành thực tế tại các doanh nghiệp nhằm đáp ứng những thay đổi từ thực tiễn. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gắn "học" với "hành" Từ năm học 2017-2018 đến nay, hàng năm Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với thế giới nghề nghiệp, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp nông thôn.
Tham dự chương trình về phía Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi có Đ/c Đỗ Thị Tuyết-Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, cùng tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty May Việt Ý, Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật, Công ty TNHH Một thành viên Bắc Hưng Hải là những đơn vị có hợp tác của nhà trường đã tham gia ký thỏa thuận và hợp tác tại Hội nghị./.
Một số hình ảnh của lãnh đạo trường tại Hội nghị